Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nỗ lực vượt khó dạy học ở Bản Thi

Xã Bản Thi (huyện Chợ Đồn) hiện có hai trường mầm non, tiểu học và 8 điểm trường lẻ. Điều kiện dạy và học nơi đây còn hết sức khó khăn nhưng vượt lên tất cả, các thầy cô và học sinh vẫn đang nỗ lực từng ngày để có một tương lai tươi sáng.

Bản Thi là xã vùng sâu, vùng xa ở phía Tây của huyện Chợ Đồn, diện tích đất nông nghiệp ít, chủ yếu là núi đá. Toàn xã có 8 thôn với hơn 500 hộ. Hiện nay, Bản Thi là một trong những địa phương đạt ít tiêu chí nhất trong chương trình xây dựng nông thôn mới của toàn tỉnh. Do đời sống khó khăn nên chuyện học của con em đồng bào ở đây cũng rất gian nan.

Giờ học tại Điểm trường Mầm non Phja Khao

 

Ngoài trường chính có 133 em, trường Mầm non Bản Thi còn có 4 điểm trường lẻ đặt tại các thôn Phja Khao, Phiêng Lằm, Kéo Nàng, Khuổi Kẹn với trên 30 em học sinh. Các điểm trường đều cách xa trường chính từ 6 đến 12km, đường đất, dốc cao nên đi lại rất khó khăn. Mặc dù còn nhỏ nhưng hầu hết các em phải đi bộ đến lớp. Những ngày mưa, đường trơn trượt, con đường đến trường của các em lại càng khó khăn hơn.

Trong khi đó, Trường tiểu học xã Bản thi có tổng số 152 học sinh thì cũng có 4 điểm trường lẻ với 56 học sinh. Việc dạy và học ở trường chính vốn đã khó thì ở các điểm trường lại càng khó khăn hơn.

 Giờ chơi của các em học sinh mầm non Phja Khao

Điểm trường Mầm non và Tiểu học Phja Khao là một trong những điểm trường khó khăn nhất của xã Bản Thi. Điểm trường mầm non được xây dựng giữa lưng chừng đồi, là nơi học tập, vui chơi của 7 em học sinh. Lớp học là ngôi nhà tạm bưng gỗ, mái lợp prô-ximăng rộng khoảng 30m2. Lớp học không có trần nhà nên rất nguy hiểm, mỗi khi gió to, mưa lớn thường hay bị dột. Để tránh gió lùa trong mùa đông, các giáo viên đã sử dụng bạt quây xung quanh lớp, song vẫn không thể tránh hết cái rét của những đợt gió mùa đông bắc. Điều kiện dạy học ở đây cũng hết sức khó khăn, bàn ghế đã cũ, đồ dùng đồ chơi thiếu thốn.

Còn điểm trường Tiểu học Phja Khao hiện có 15 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Do số lượng học sinh không nhiều, có khi một lớp chỉ có duy nhất một học sinh, lớp nhiều cũng chỉ đến 5 em, nên chủ yếu các em học lớp ghép, có khi phải ghép 2 đến 3 lớp làm một. Mặc dù đã được xây dựng 2 phòng học kiên cố song điểm trường còn gặp khá nhiều khó khăn, thiếu nhà công vụ cho giáo viên, thiết bị giảng dạy, học tập chưa đầy đủ và đồng bộ…

Học sinh Mầm non, Tiểu học Phja Khao sau buổi học

Chứng kiến bữa ăn của các em mới thấy hết được sự khó khăn thiếu thốn nơi đây. Nhiều gia đình bữa ăn ngày giáp hạt chỉ có cơm độn ngô nên bữa ăn của các em cũng thường xuyên chỉ có cơm trắng với rau rừng. Món thịt là thứ thức ăn xa xỉ, hiếm khi nào xuất hiện trong bữa cơm. Bữa ăn hầu như không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng nên trẻ con ở đây đều gầy guộc, nhỏ bé. Thương học trò lắm nhưng các thầy cô giáo cũng không biết phải làm sao…

Cô Nguyễn Thị Thu đã có thâm niên gắn bó 18 năm với điểm trường tiểu học Phja Khao. Bên cạnh việc giảng dạy kiến thức cho các em, mỗi khi rảnh rỗi cô Thu cùng giáo viên ở điểm trường đến các gia đình khó khăn trong thôn để phụ giúp công việc đồng áng, đồng thời trao đổi thông tin nhằm tạo sự gần gũi với đồng bào nơi đây. Cô còn đề xuất với Ban giám hiệu nhà trường vận động cán bộ, giáo viên đóng góp quỹ để ủng hộ sách vở, lương thực cho học sinh điểm trường do mình phụ trách. Từ những việc làm thiết thực, cụ thể đó đã tạo được niềm tin của đồng bào khi cho con em mình đến trường học chữ. Các em học sinh cũng không quản ngại điều kiện khó khăn, chăm chỉ đến trường. Nhờ đó, chất lượng dạy và học không ngừng được nâng lên. Tỷ lệ học sinh khá giỏi của điểm trường hàng năm luôn đạt từ 60% trở lên.

Mùa đông này, giữa những cơn gió mùa đông bắc hun hút lùa qua khe cửa, các em học sinh Phja Khao và tất cả các em học sinh của xã Bản Thi vẫn đang nỗ lực học tập, chăm chỉ đến trường. Trăn trở của các cô giáo cũng là ước nguyện của người dân vùng cao nơi đây là các em sẽ được ăn no, mặc ấm và có thêm điều kiện đến trường./.

Hương Lan
Nguồn: