Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Khó khăn ở điểm trường Nà Sliến

Là một trong những điểm trường khó khăn nhất của xã Cao Thượng (huyện Ba Bể), việc học hành của học sinh điểm trường Nà Sliến gặp nhiều trở ngại, rất cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng.

Thôn Nà Sliến là thôn khó khăn của huyện nghèo Ba Bể. Người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng rừng và làm ruộng nhưng điều kiện địa hình không thuận lợi, chủ yếu là đồi núi cao nên việc sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Thôn có 79 hộ thì gần 100% là hộ nghèo và cận nghèo.

Thôn Nà Sliến có điểm trường tiểu học và mầm non. Khối mầm non có 3 lớp với 40 học sinh, trong đó có 01 lớp đã được xây dựng kiên cố. Khối tiểu học có 5 lớp với 51 học sinh, cả 5 lớp đều là nhà tạm.

 Đường vào điểm trường Nà Sliến

Học sinh ở điểm trường Nà Sliến hầu hết là người dân tộc Mông, Dao ở tại 2 thôn Nà Sliến và Bản Cám. Có nhiều em đi bộ từ nhà đến trường mất hơn một giờ đồng hồ vì các gia đình ở rải rác khắp các sườn đồi núi. Đa số phụ huynh đều không biết chữ và việc giao tiếp bằng tiếng Kinh cũng khá khó khăn. Do trình độ dân trí còn thấp, cuộc sống nghèo khổ khiến việc học hành cũng trở nên khó khăn hơn, học sinh quá tuổi thì ngại đi học, còn những em học sinh nhỏ tuổi lại bị phụ huynh bắt ở nhà phụ bố mẹ làm việc. Chính bởi vậy, bên cạnh công tác giáo dục, các thầy cô giáo ở vùng cao nói chung và ở điểm trường Nà Sliến nói riêng thường xuyên phải đến nhà học sinh vận động ra lớp.

Thầy giáo Hứa Văn Bắc - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cao Thượng cho biết: Khi đến mùa trồng hoặc thu hoạch ngô, lúa thì học sinh thường xuyên nghỉ học không có lý do, các thầy cô phải đi mất cả buổi, có khi phải đi lên nương để vận động các em đến lớp.

 Tất cả các lớp tiểu học đều là nhà tạm

Những hạn chế về địa hình và giao thông khiến đời sống sinh hoạt của người dân và các thầy cô giáo gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây, điểm trường không có nước và điện sinh hoạt. Từ cuối năm 2016, thôn đã được đầu tư nguồn điện và nước giếng khoan. Tuy nhiên, do ở xa trung tâm nên việc sử dụng của người dân và các thày trò nơi đây phải rất tiết kiệm.

Trường không đủ điều kiện vật chất, không có nhà bếp nên các em mầm non không được ăn bán trú. Việc đưa đón trẻ ngày 4 lần khiến phụ huynh không còn nhiều thời gian phát triển sản xuất. Đây cũng là một trong những lý do khiến tình trạng học sinh bỏ học vẫn còn diễn ra.

Cô Nguyễn Thị Ly - Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Cao Thượng cho biết: Ngoài những khó khăn về điều kiện, địa hình thì trang thiết bị phục vụ học tập như đồ dùng, đồ chơi của học sinh còn rất thiếu thốn. Đặc biệt là đồ chơi ngoài trời hầu như không có nên việc học của học sinh hết sức khó khăn, thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa.

 Một giờ học của học sinh khối tiểu học

Đối với khối tiểu học, sách giáo khoa học sinh được cấp phát hàng năm, đôi khi được một số đoàn tình nguyện hỗ trợ. Tuy nhiên hiện nay, cơ sở vật chất, trường lớp học còn rất nghèo nàn, lớp học nằm cheo leo trên đỉnh núi, toàn là nhà tạm không đảm bảo che chắn khi trời mưa gió, nhất là mùa đông. Khu trường nhỏ hẹp, đường đi lại khó khăn, xa xôi…

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng đội ngũ giáo viên ở đây luôn gắn bó, chăm sóc, dạy dỗ cho các lớp thế hệ học sinh nơi vùng cao còn nhiều khó khăn này. Mong mỏi của các giáo viên và học sinh ở đây là tiếp tục được các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm về cơ sở vật chất, đồ dùng học tập để giáo viên và học sinh có thêm điều kiện học tập, giúp mang đến cho học sinh một tương lai tươi sáng hơn./.

Mọi sự ủng hộ, giúp đỡ xin gửi về:

1. Cổng thông tin điện tử Bắc Kạn

Cơ quan thường trực: Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Bắc Kạn

Địa chỉ: Tổ 1A, phường Phùng Chí Kiên, thị xã Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn 

Điện thoại: 0281.3871180       Fax: 0281.3871751

2. Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Kạn

Địa chỉ: Tổ 1A, phường Phùng Chí Kiên, thị xã Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn

Điện thoại: 0281.3875080 - 0281.3811220

Số Tài khoản: 8600211000354

Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh tỉnh Bắc Kạn

Hương Lan
Nguồn: